Tin Tức
Đề nghị thêm quyền hạn cho ngành thuế
Ngày Đăng : 23/12/2017 - 11:24 PM
Bộ Tài chính vừa có dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đề xuất ngành thuế cũng có thêm chức năng điều tra tương tự như ngành hải quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Trong dự thảo cũng nêu cần có một chương quy định cụ thể về việc điều tra hành vi trốn thuế, tránh thuế, gian lận thuế, tội trốn thuế.
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Đồng Nai. |
Đề xuất này của Bộ Tài chính đã được dư luận quan tâm bởi thời gian qua tình trạng trốn, gian lận thuế đang gia tăng.
* Trách nhiệm hình sự
Theo dự thảo, cơ quan thuế có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế. Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ, nếu có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm thì trưởng đoàn thanh, kiểm tra, chi cục trưởng, cục trưởng có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm. Đặc biệt, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức ngành thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn từ năm 2014-2016, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công an tổng cộng 690 vụ vi phạm pháp luật về thuế; 305 vụ có dấu hiệu trốn thuế. Cơ quan công an đã điều tra xử lý hình sự 67 vụ, khởi tố điều tra 70 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế, mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. |
Theo Bộ Tài chính, nhiều nước trên thế giới đã giao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Một số nước như Mỹ, Nga còn tổ chức lực lượng cảnh sát thuế, tòa án thuế. Hiện có hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước trong khối ASEAN đã thành lập bộ phận điều tra thuế.Trong khi đó tại Việt Nam, cơ quan thuế lại chưa được giao chức năng trên.
Tổng cục Thuế cho rằng việc bổ sung quy định này sẽ mang tính răn đe, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của một bộ phận tổ chức, cá nhân móc nối với nhau có tính tổ chức với thủ đoạn rất tinh vi. Để thực hiện được điều này, trước mắt ngành thuế sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới áp dụng điều tra thuế.
* Tiết kiệm thời gian
Ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, cho biết hiện ngành thuế mới dừng lại ở thanh tra, kiểm tra và xử lý hành chính. Nếu có được chức năng điều tra, ngành thuế sẽ nhiều thuận lợi hơn trong việc ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, khẳng định nếu ngành thuế có chức năng điều tra sẽ thuận tiên hơn như hiện nay. Bà Cúc phân tích: “Về mặt xã hội, nếu ngành thuế có chức năng điều tra sẽ tiết kiệm được thời gian, bởi không phải chuyển hồ sơ như hiện nay. Về mặt nghiệp vụ, cán bộ thuế có nghiệp vụ chuyên ngành hơn. Hiện tại khi điều tra về lĩnh vực thuế, cơ quan điều tra vẫn phải mời cán bộ ngành thuế phối hợp”.
TS.Trần Ngọc Hoàng, giảng viên Khoa Tài chính - kế toán Trường đại học Lạc Hồng, cũng cho rằng trong bối cảnh hội nhập như hiện nay tình trạng trốn thuế, gian lận thuế rất tính vi và phức tạp nên việc trao chức năng điều tra cho cơ quan thuế là cần thiết. Việc này đảm bảo về thời gian kịp thời để xử lý các doanh nghiệp, người nộp thuế vi phạm. “Thời gian qua, tình trạng buôn bán hóa đơn, trốn thuế ở quy mô lớn diễn ra nhiều. Tôi nghĩ cơ quan thuế nếu được trao chức năng điều tra sẽ thuận lợi hơn trong quản lý nhà nước đối với việc chống thất thu thuế” - TS.Trần Ngọc Hoàng nói.